Việt Nam Bảo tồn loài hổ

Hổ Đông Dương tại Vườn thú Đại Nam

Việt Nam là một trong các khu vực có đa dạng sinh học cao trên thế giới, với các hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều loài động vật, thực vật đặc hữu, có giá trị và là một trong 13 quốc gia hiện nay còn có hổ sinh sống trong tự nhiên. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế, các nguồn tài nguyên quý giá của tự nhiên dần bị cạn kiệt, nhiều loài động vật, thực vật hoang dã trở lên nguy cấp và bị đe dọa tuyệt chủng, đặc biệt là các loài thú lớn trong số đó có loài hổ thuộc phân loài hổ Đông Dương (Panthera tigris corbettii). Hơn 30 năm qua, quần thể hổ của Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung đã bị suy giảm nghiêm trọng.

Hổ Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng là sự thật hiện hữu, báo cáo quốc gia về bảo tồn hổ năm 2009 báo động, quần thể hổ ở Việt Nam đang suy giảm và có nguy cơ tuyệt chủng trong 10 năm tới[5]. Trong khi đó, các hoạt động buôn bán hổ trái phép tại Việt Nam đang phát triển dưới các loại hình kinh doanh hợp pháp, hổ hoang dã ở Việt Nam ngày càng có nguy cơ tuyệt chủng thì tình trạng săn bắn, buôn bán, vận chuyển hổ ngày một gia tăng. Nhu cầu sử dụng lớn, lợi nhuận cao khiến loài hổ đang dường như chỉ còn tồn tại trên sách báo, tranh ảnh, nguy cơ tuyệt chủng đã hiện hữu[5].

Tình hình

Từ thập kỷ 60 của thế kỷ XX trở về trước, hổ Việt Nam phân bố ở khắp các vùng rừng núi, thậm chí cả ở vùng trung du và cả hải đảo. Những nơi nổi tiếng có nhiều hổ là Ba Chẽ (Quảng Ninh), Quản Bạ (Hà Giang), Dốc Cun (Hòa Bình), Mường Nhé (Lai Châu), Ba Rền, U Bò, Trúc (Quảng Bình), Ba Tơ (Quảng Ngãi), Phú Yên, Khánh Hòa (cọp Khánh Hòa ma Bình Thuận[42]), KBang (Gia Lai), Sa Thầy (Kon Tum)[43], hổ ở miền Nam còn xuất hiện nhiều ở U Minh, Cà Mau, Gia Định.

Ngày đó, hổ báo ở rừng Yên Tử rất nhiều, nên chuyện săn hổ, bẫy hổ như bẫy mèo rừng, trong rừng Yên Tử hổ trong vùng rất nhiều, thường xuyên về làng bắt trâu, bò, lợn, dê của dân[44]. Ở rừng Tuyên Quang vẫn còn hổ dùng cao hổ nuôi của Thái Lan, Lào, nhưng thấy chất lượng kém, nên chỉ chuộng hổ hoang dã, nên chi phí cho thợ săn còn tốn kém hơn cả việc mua thẳng con hổ. Tuyên Quang, có cái dự án bảo vệ voọc, nên không vào rừng săn hổ được nữa, chẳng mấy khi nghe kể về cọp hoang dã. Loài vật ấy cứ như thể đã đi vào truyền thuyết rồi[45].

Trong đại ngàn nghiến trên dãy đá vôi thuộc xã Thượng Lâm và Khuôn Hà trước đây, thú rừng nhiều, nên nhiều người chỉ xách súng vào rừng là có cái ăn, vì con người phá rừng làm nương, chiếm mất chỗ ở của cọp, rồi săn bắn thú cướp mất mồi ăn của chúng, nên chúng nổi điên mà trả thù con người. Thời điểm đó, cứ lúc sáng tinh sương và chiều xuống, là cọp mò về bản dọa người, rình bắt thú. Những gia đình mất trâu, bò một cách bí ẩn. Người Tày ở đây thường thả rông trâu, bò trong rừng, vài ngày mới vào rừng cho ăn muối để chúng nhớ vị mặn mà không đi xa. Thế nhưng, đàn trâu, bò cứ hao hụt dần vì cọp. Lần mò trong rừng tìm kiếm, chỉ nhận được xác trâu, bò đã phân hủy, hoặc bị mất bộ lòng, toàn bộ thịt phần đùi, mông. Nhìn cái cách ăn đó, ai cũng biết thủ phạm là hổ[46].

Hơn 30 năm qua, quần thể hổ của Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung đã bị suy giảm nghiêm trọng. Tại Việt Nam số lượng này chỉ còn khoảng 30 cá thể hổ trong tự nhiên và càng giảm mạnh. Trong 15 năm qua, quần thể hổ ở Việt Nam cũng như ở các quốc gia có hổ phân bố bị giảm đi đáng kể do nạn săn bắt, thu hẹp môi trường sống và suy giảm nguồn thức ăn, hổ Đông dương đang phải sinh sống trong các khu rừng bị chia cắt và xuống cấp nghiêm trọng. Số lượng hổ hoang dã của Việt Nam đã suy giảm đến mức độ nghiêm trọng.

Theo nghiên cứu trong những năm gần đây của các nhà khoa học Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cho thấy, tại khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (Quảng Nam) vẫn có dấu vết chứng tỏ hổ còn tồn tại, nhưng khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (Bắc Kạn) thì không còn bất kỳ dấu vết gì của hổ. Hổ còn tồn tại trong tự nhiên chủ yếu tại các khu bảo tồn thiên nhiên hoặc vườn quốc gia, nơi rừng còn ít bị tác động và có chế độ bảo vệ khá nghiêm ngặt. So với những năm 1970, số lượng hổ đã giảm sút một cách nghiêm trọng và có nguy cơ tuyệt chủng trong tương lai gần nếu không có các biện pháp bảo tồn hữu hiệu.

Thống kê

Thông tin từ Quỹ quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) cho biết trên thế giới chỉ còn khoảng 1.700 đến 2.000 cá thể hổ Đông Dương. Hổ Đông Dương trước đây sinh sản được trong môi trường khá rộng, phân bố ở các nước Việt Nam, Lào, Nam Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Cho đến nay vẫn chưa có một cuộc điều tra quy mô cụ thể nào để thống kê chính xác số hổ còn trong tự nhiên ở Việt Nam, những số liệu chung nhất đưa ra thì Việt Nam chỉ còn khoảng từ 30-50 cá thể hổ hoang dã trong tự nhiên:

  • Theo WWF vào năm 1998, hổ Đông Dương phân bố tại 47 điểm tại Việt Nam, trong đó có 15 vườn quốc gia và nhiều khu bảo tồn thiên nhiên. Hổ phân bố tập trung ở các tỉnh Lai Châu, Thanh Hóa, Quảng Nam, Kon Tum, Đắk Lắk, ước tính số lượng hổ tự nhiên trên toàn quốc không quá 200 cá thể[43].
  • Theo Công ước quốc tế CITES vào năm 2008, hổ Đông dương được xếp vào loài rất nguy cấp (CR), hiện chỉ còn ở 17 tỉnh ở Việt Nam, ước tính trên toàn cõi Việt Nam chỉ còn khoảng 150 cá thể[43].
  • Theo kết quả điều tra của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật năm 2011, số lượng hổ hoang dã của Việt Nam đã suy giảm nghiêm trọng, ước tính còn khoảng từ 27-47 cá thể tại các khu vực như Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, Vườn Quốc gia Pù Mát, Vũ Quang, Chư Mom Ray và Yok Đôn[19].
  • Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, số lượng hổ ở Việt Nam chỉ còn khoảng 28-47 cá thể sinh sống rải rác ở các khu rừng hẻo lánh và đang đối mặt với nguy cơ bị tuyệt diệt do bị săn bắt, buôn bán và mất nơi sinh sống. Bên cạnh đó, số hổ nuôi nhốt cũng chỉ có 112 cá thể và hoạt động này chưa khẳng định sẽ hỗ trợ được công tác bảo tồn hổ trong tự nhiên[17].
  • Theo thống kê của Chính phủ Việt Nam, số lượng hổ ở Việt Nam chỉ còn khoảng từ 28 đến 47 cá thể sinh sống rải rác ở các khu rừng hẻo lánh và đang phải đối mặt với nguy cơ bị tuyệt diệt do hai mối đe doạ lớn đó là bị săn bắt, buôn bán và mất nơi sinh sống. Hổ Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tuyệt diệt. Bên cạnh đó, số hổ nuôi nhốt cũng chỉ có 112 cá thể và hoạt động này hiện chưa khẳng định sẽ hỗ trợ được công tác bảo tồn hổ trong tự nhiên[47]
  • Theo ghi nhận trong báo cáo của Chính phủ Việt Nam tại diễn đàn Hổ năm 2004, hổ Việt Nam chỉ còn ở 17 tỉnh và đang phải sinh sống trong các khu rừng bị chia cắt và xuống cấp nghiêm trọng. Ước tính ở Việt Nam hiện nay có ít hơn 50 cá thể ngoài tự nhiên và theo các chuyên gia bảo tồn nhận định đến năm 2015 phân loài hổ Đông Dương có thể biến mất nhanh hơn bất kỳ một phân loài hổ nào khác[5].
  • Số liệu thống kê của Cục Cảnh sát môi trường thuộc Bộ Công an Việt Nam cho thấy, hiện Việt Nam chỉ còn 95 cá thể hổ đang được nuôi nhốt trong các trang trại, vườn thú và rạp xiếc[5].
  • Theo báo cáo quốc gia về bảo tồn hổ năm 2009 thì Việt Nam hiện chỉ còn không quá 30 đến 50 cá thể hổ, ngoài tự nhiên, ở sâu trong các cánh rừng từ Bắc vào Nam, số liệu trên chỉ là ước đoán[5], trong đó chỉ còn khoảng dưới 30 cá thể hổ hoang dã đang phân bố rải rác ở một số vườn quốc gia và khu bảo tồn, chủ yếu ở khu vực biên giới các tỉnh miền Trung[48].
  • Theo thống kê của Đài Á châu Tự do, tại Việt Nam hiện chỉ còn dưới 30 cá thể hổ sống trong tự nhiên. Riêng số hổ nuôi nhốt tại các vườn thú, trang trại, đoàn xiếc được nói tổng cộng chừng 95 con[3].
  • Thống kê khác của Tổ chức ENV cho biết Việt Nam không cho phép nuôi nhốt thương mại hổ nhưng toàn quốc hiện có khoảng 130 cá thể hổ đang bị nuôi nhốt. Tất cả các trang trại hổ đều được giám sát một cách cẩn trọng[22].
  • Theo điều tra của ENV, số lượng hổ bị nuôi nhốt trong các vườn thú và trang trại tư nhân trong những năm gần đây đã tăng vọt từ 81 cá thể (vào năm 2010) lên tới 179 cá thể (vào năm 2015)[49], nhưng ENV không hề đánh giá cao tình hình này.
  • Theo thống kê từ các Chi cục Kiểm lâm vào năm 2001 dự đoán quần thể hổ ở Việt Nam có trên 100 cá thể. Chúng phân bố rải rác ở nhiều sinh cảnh bị chia cắt. Một số địa phương ở tỉnh Kon Tum, Sông Mã (Sơn La), Lạc Dương (Lâm Đồng), Quảng Nam, Lai Châu có số lượng hổ trên 7 cá thể còn các nơi khác chỉ có 2 đến 5 cá thể. Với quần thể quá nhỏ như vậy thì sự suy thoái về di truyền của hổ Đông dương Việt Nam là không thể tránh khỏi[43].
  • Trước đây, các nhà khoa học tự nhiên dự đoán rằng, ở Việt Nam còn khoảng 200 con hổ hoang dã, nhưng lúc chúng ở Việt Nam, lúc di cư sang Lào, hiện không ai có thể đưa ra được con số dự đoán về hổ hoang dã. Có thể chẳng còn con nào ở Việt Nam cả, ở vùng giáp biên với Lào, thi thoảng có hổ từ rừng Lào rẽ sang lãnh thổ Việt Nam du ngoạn, khắp rừng Mường Nhé[45].

Nguyên nhân

Hổ Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do hai nguyên nhân chính đó là bị săn bắt, buôn bán trái phép và mất sinh cảnh sống. Tình trạng săn bắt, buôn bán trái phép hổ và con mồi của hổ diễn ra phức tạp, khó kiểm soát. Đây từng là nguyên nhân chính làm suy giảm quần thể hổ và cũng là mối de dọa nghiêm trọng đối với hổ ở Việt Nam. Việc mất sinh cảnh sống, trong đó có sự suy giảm con mồi của hổ do các hoạt động phát rừng lấy đất canh tác nông nghiệp, chuyển đổi đất rừng thiếu quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng là nguyên nhân chính tác động đến quá trình tuyệt chủng loài hổ.

Hổ Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao vì nhiều nguyên nhân như khả năng thích nghi thấp với các sinh cảnh manh mún, quần thể nhỏ nên có ảnh hưởng lớn về di truyền cho các thế hệ sau do hiện tượng cận huyết. Hầu hết các khu bảo tồn có loài hổ sinh sống thường bị chia cắt và tàn phá nghiêm trọng, do đó việc phối giống giữa các quần thể hổ khác nhau ít khi xảy ra. Điều này dẫn đến suy thoái nguồn gen, không có lợi cho bảo tồn.

Bên cạnh đó, các hoạt động tác động đến rừng như khai thác gỗ, mở rộng nương rẫy, cháy rừng, phá rừng trồng cây công nghiệp, xây dựng thủy điện, đường sá, khai khoáng. đe dọa trực tiếp đến khả năng phục hồi quần thể hổ, con mồi của hổ. Diện tích rừng tự nhiên giảm từ 43% những năm cuối thế kỷ XX xuống còn 17% đẩy nhiều loài thú lớn như voi, hổ, tê giác đến nguy cơ tuyệt chủng do thiếu thức ăn và nơi cư ngụ. Hiện trạng hổ hoang dã còn rất ít, phân bố rải rác thành các quần thể nhỏ, không có sự giao lưu, trao đổi di truyền có thể sẽ dẫn đến hiện tượng suy thoái nguồn gen[19]

Tại Việt Nam, hổ bị buôn bán trái phép chủ yếu vì các bộ phận của chúng, được sử dụng trong các loại rượu thuốc (như cao hổ cốt, rượu hổ cốt), các sản phẩm lưu niệm.Trong thời gian vừa qua, lực lượng công an Hà Nội đã phá nhiều vụ án buôn bán và sử dụng hổ trái phép. Công an Hà Nội và công an Thanh Xuân đã bắt quả tang tại tầng 3 của nhà hàng Tây Bắc quán đang tổ chức nấu cao hổ trái phép. Lực lượng chức năng phát hiện nhà hàng đang nấu dở một nồi cao hổ, gần đó là 2 bộ xương linh dương và một số phụ liệu được bày sẵn để phục vụ cho việc nấu cao[50]. Tình trạng săn bắn hổ ngày càng gia tăng, nếu không có chính sách quản lý, bảo vệ và bảo tồn hổ hợp lý thì trong một ngày không xa số lượng hổ ít ỏi hiện nay ở một số khu rừng cũng sẽ không còn.

Nuôi nhốt

Hổ đang được nuôi nhốt tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn

Trong những năm qua, tại Việt Nam có một số tư nhân đã bỏ tiền xây dựng những khu nuôi hổ. Tuy nhiên hoạt động này gây ra nhiều tranh cãi trong nước. Có ý kiến cho rằng nuôi hổ rồi huấn luyện thả chúng lại vào tự nhiên sẽ là một phương pháp giúp bảo tồn loài hổ. Bảo tồn ngoài thiên nhiên quan trọng, nhưng bổ sung cũng quan trọng. Tuy nhiên, nhiều người cho tư tưởng đó không chắc. Thả động vật sống ra cho hổ nuôi thả, nó vẫn ăn được. Tuy nhiên làm thế tốn kém. Dạng nuôi có nhiều mục tiêu. Thực sự nuôi để thả lại vào rừng thì những con lớn sẽ kém về khả năng săn bắt, còn bỏ những con nhỏ vào rừng thì không tồn tại được vì không có cha mẹ bảo bọc, cách đó chỉ có nhà nước hay các tổ chức thiện ý làm được[3].

Hiện nay chủ yếu là nuôi hổ cảnh, nuôi thương mại để chuyển hóa thành sản phẩm vì có sinh lợi và tình trang pháp lý đang rất lẫn lộn, cần có hành lang pháp lý chặt chẽ để các mục tiêu rõ ràng, để không có lạm dụng[3]. Theo điều tra của ENV, số lượng hổ bị nuôi nhốt trong các vườn thú và trang trại tư nhân trong những năm gần đây đã tăng vọt từ 81 cá thể (2010) lên tới 179 cá thể (2015). ENV rất quan ngại về sự phát triển các trang trại hổ tại Việt Nam. Qua nhiều năm điều tra, ENV có thể khẳng định rằng hầu hết các trại nuôi hổ hiện nay không hoạt động vì mục đích giáo dục và bảo tồn mà thực chất là để hợp pháp hóa các hoạt động buôn bán hổ bất hợp pháp.

Đánh giá chung của ENV về mục đích của các cơ sở nuôi nhốt tư nhân ở Việt Nam thì hiện cả nước có 13 cơ sở tư nhân được cấp phép nuôi nhốt động vật hoang dã, với khá nhiều mục đích nhưng tuyệt đối không được vì mục đích thương mại, như buôn bán. ENV đã có những bằng chứng cụ thể về việc 6/13 số cơ sở nuôi nhốt được sử dụng nhằm hợp pháp hóa các cá thể bất hợp pháp trong tự nhiên, nhằm mục đích thương mại. Trong số này, có một số sự việc cụ thể đã được ENV gửi tới cơ quan chức năng, như vậy, gần 50% cơ sở nuôi nhốt tư nhân có dấu hiệu bất hợp pháp[51].

Với tình trạng nuôi nhốt hổ như hiện nay, ENV có cho rằng Nhà nước cần cụ thể hóa các quy định hiện hành về điều kiện cấp phép cũng như quản lý và xử lý vi phạm tại các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, đây là điều rất cần thiết và cấp bách. Nhà nước chỉ nên cấp phép cho những cơ sở có dự án bảo tồn cụ thể, được các cơ quan quản lý Nhà nước phê duyệt. Đối với các cơ sở không có dự án bảo tồn, nên có những cách quản lý cá thể hổ như gắn chip, triệt sản cho những cá thể hổ bị nuôi nhốt bởi chúng không có giá trị nhiều cho công tác bảo tồn. Việc cấp phép nuôi nhốt hổ hay các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm khác chỉ nên giới hạn vì mục đích bảo tồn, nghiên cứu khoa học, giáo dục cho các cơ sở đáp ứng những yêu cầu cụ thể theo quy định của pháp luật. Các cơ quan chức năng địa phương thu hồi giấy phép nuôi nhốt hổ của những cơ sở có nghi ngờ liên quan đến hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp hoặc không đảm bảo điều kiện[52].

Bất cập

Các vấn đề pháp lý trong hoạt động nuôi nhốt hổ gia tăng trong những năm gần đây. Nhiều vụ việc hổ tấn công làm chết, bị thương người cũng xảy ra rải rác ở các cơ sở nuôi nhốt hổ trong khắp cả nước, do đó có ý kiến yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần kiểm soát sự phát triển của các cơ sở nuôi nhốt hổ dưới danh nghĩa bảo tồn và cần sự chuyển giao các cá thể hổ nuôi nhốt về các Trung tâm bảo tồn của Nhà nước. Theo thống kê trong năm 2007, Việt Nam có 5 cơ sở được phép nuôi nhốt hổ, hiện nay con số đó đã lên đến 13 cơ sở nuôi nhốt hổ tư nhân (không bao gồm các vườn thú và trung tâm cứu hộ thuộc sự quản lý của Nhà nước). ENV rất quan ngại về sự phát triển các trang trại hổ tại Việt Nam. Qua nhiều năm điều tra, ENV có thể khẳng định rằng hầu hết các trại nuôi hổ hiện nay không hoạt động vì mục đích giáo dục và bảo tồn mà thực chất là để hợp pháp hóa các hoạt động buôn bán hổ bất hợp pháp[49]

Trong khi đó, hiện nay vẫn chưa có các quy định cụ thể về điều kiện thành lập cũng như quy định trong quản lý và xử lý vi phạm tại các cơ sở nuôi nhốt hổ và các loài nguy cấp, quý, hiếm khác. Chính điều này đã gây khó khăn cho các địa phương trong việc quản lý cũng như tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng việc nuôi nhốt hổ để hợp pháp hóa các cá thể hổ buôn bán bất hợp pháp[52]. Giới chuyên gia cho rằng việc vẫn duy trì nguồn cung cho thị trường dù hợp pháp hay phi pháp đều giúp tăng cầu, và như thế không thể giúp bảo vệ một cách hữu hiệu loài hổ được[3]. Các nhà bảo tồn cho rằng cần phải tiêu hủy các sản phẩm hổ từ đường dây tiêu thụ động vật hoang dã.

Vụ Công an Hà Nội tịch thu một con hổ đông lạnh được chở bằng xe taxi từ tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Thanh Hóa cho phép một số đơn vị trong tỉnh bán đấu giá gần ba kilogram cao hổ thành phẩm. Vụ chủ nhân của một vườn bách thú tại Việt Nam đã bị tuyên án 3 năm tù giam vì đã bán xác của nhiều con hổ đã chết tại vườn thú của ông nuôi trong một vườn bách thú ở Tỉnh Bình Dương. Ông khai rằng các con hổ đã chết vì những nguyên nhân tự nhiên, bốn con chết vì cúm gia cầm sau khi ăn phải gà nhiễm bệnh hồi năm 2003, và một con chết vì hóc xương. Nhưng thay vì báo cáo cho các giới thẩm quyền như quy định, ông đã mang hổ đi bán vì ông cần tiền để chăm sóc những con hổ còn lại, còn 14 bị cáo khác cũng bị tuyên án mỗi người tối đa 30 tháng tù[53].

Những vụ việc ghi nhận như vụ tỉnh Thanh Hóa cho phép đấu giá cao hổ, xác hổ được đem nấu cao có nguồn gốc từ một vụ vận chuyển trái phép. Sau khi xảy ra vụ việc khiến dư luận lên tiếng, nhà chức trách, giải thích rằng số cao hổ đấu giá làm từ xương của con hổ chết do một chủ trang trại trong tỉnh nuôi. Trung tâm Giáo dục Thiên Nhiên tại Việt Nam lên tiếng tỏ rõ bất đồng trước việc làm đó của cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa. Lực lượng chức năng lập biên bản kiểm tra, niêm phong và giao xác hổ (61 kg) bảo quản, lưu giữ. Hổ đã có mùi hôi thối và không mang mầm bệnh nên đã sung công quỹ, chuyển giao xác hổ cho Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh Thanh Hóa để bào chế thuốc. Trung tâm ENV cho rằng việc nấu cao ở bệnh viên Thanh Hóa là phải tiêu hủy số cao, các cơ quan chức năng cần nhận rõ nguy cơ của hành động này như một sự tiếp tay, hợp pháp hóa việc tiêu thụ động vật hoang dã[54]

Giá trị của xác hổ được xác định là 91 triệu đồng, được căn cứ vào giá thành của xác hổ và giá mua các loại xương khác trên thị trường như xương sơn dương, gạc hươu, các chất bảo quản khác và ngày công lao động thực tế. Tổng chi phí gần 126 triệu đồng, giá thành hơn 4,1 triệu đồng/100 gram. Bệnh viện đề xuất nhượng bán để phục vụ sức khỏe cán bộ và bệnh nhân (giá bán 6 triệu đồng/100gram)[54]. Hổ nấu cao theo phương pháp cổ truyền, có kèm theo các phụ gia như xương sơn dương, gạc hươu, chất bảo quản khác. Nhưng về số 75% xương các loài khác từ đâu (sơn dương thuộc nhóm nghiêm cấm khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại như hổ) được trả lời do đấu giá tịch thu từ các vụ việc khác và có cơ sở pháp luật. Số cao hổ thành phẩm 2,77 kg được bảo quản tại Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh Thanh Hóa[54].

Vụ đối tượng buôn bán động vật hoang dã được giao nuôi nhốt hổ, bắt đầu tự sự kiện Một tai nạn khi một học sinh bị hổ vồ tại Trang trại nuôi hổ đặt tại cồn thôn Tàu Voi, xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, vụ việc này căn nguyên từ khi chủ đưa đàn hổ về nuôi nhốt từ năm 2006. Đến năm 2008, tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và giao nuôi thí điểm vì mục đích nghiên cứu bảo tồn 12 cá thể hổ bị phát hiện nuôi nhốt bất hợp pháp tại cơ sở của đối tượng ở địa phương. Đến năm 2012, mới được Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cấp giấy phép cho nuôi nhốt hổ có thời hạn 5 năm. Sau đó, đã bắt giữ một vụ buôn bán, vận chuyển 36 kg sừng tê giác, 2 cá thể hổ đông lạnh, 3 bộ da sư tử cùng nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ ngà voi và các loài động vật hoang dã khác, các đối tượng đã khai nhận 2 cá thể hổ đông lạnh bị tịch thu có nguồn gốc từ cơ sở nuôi nhốt hổ nêu trên[52].

Đến tháng 5 năm 2017, đối tượng này đã bị khởi tố, bắt giam do tình nghi tham gia đường dây buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia. Cũng từ đây, nhiều nghi vấn nổi lên về cơ sở nuôi nhốt hổ của đối tượng thực chất chỉ đóng vai trò vỏ bọc cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép hổ và các loài động vật hoang dã khác mà không hề phục vụ mục tiêu nuôi thí điểm bảo tồn hổ như giấy phép mà cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa đã cấp để núp bóng nuôi nhốt để buôn bán hổ[52]. Từ một cơ sở nuôi nhốt hổ chui, trong vòng 6 năm, trại nuôi này đã trở thành trại nuôi hợp pháp với danh nghĩa bảo tồn và phát triển hổ[52].

Cơ quan quản lý CITES Việt Nam đã tiến hành kiểm tra để xác nhận điều kiện cơ sở vật chất chuồng trại của Vườn Động vật Sinh thái Hòn Nhạn, Nghệ An. Nếu đạt đủ điều kiện nuôi nhốt, cơ sở này sẽ được phép nhập khẩu thêm 9 cá thể hổ để phục vụ mục đích nuôi dưỡng, nhân giống trưng bày và phục vụ giáo dục bảo tồn. Chủ cơ sở này là vợ của một đối tượng từng đã có 2 tiền án về tội phạm liên quan đến giết hại, buôn bán hổ cùng nhiều loài động vật hoang dã nguy cấp khác. Một công ty con đã được cấp phép gây nuôi hổ để phục vụ hoạt động du lịch sinh thái từ năm 2016. Cơ sở này cũng đã tiếp nhận 15 cá thể hổ từ công ty khác. Hiện nay, cá nhân này cũng đang bị nghi ngờ là đối tượng cầm đầu một đường dây chuyên buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã (bao gồm hổ, tê tê, ngà voi và sừng tê giác) xuyên biên giới Việt Nam–Lào–Thái Lan.

ENV cho rằng việc cấp phép gây nuôi hổ và các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm cho một đối tượng đã có hai tiền án tội phạm liên quan đến động vật hoang dã là một việc làm hết sức vô lý của các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An. Cấp phép cho vợ chồng này gây nuôi hổ đồng nghĩa với việc các cơ quan này đã chính thức thỏa hiệp và tạo điều kiện cho đối tượng có cơ hội lợi dụng danh nghĩa cơ sở được cấp phép để tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã trong tương lai[49].

Việc cấp phép cho các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã, bao gồm cả những loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Danh mục ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, trong đó có hổ, đang diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương. Điều này hiện đang tác động rất lớn đến công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã ở Việt Nam. Cơ quan chức năng nào sẽ phải chịu trách nhiệm nếu loài hổ và các loài động vật hoang dã nguy cấp khác của Việt Nam bị tuyệt chủng như tê giác.

Giải pháp

Báo cáo quốc gia về bảo tồn hổ năm 2009 nêu rõ, để cứu loài hổ khỏi nguy cơ tuyệt chủng, một trong những việc phải làm ngay là khảo sát, đánh giá chính xác, tìm câu trả lời thuyết phục nhất về số lượng cá thể hổ đang sinh sống tại Việt Nam và phân bố ở những đâu. Trên cơ sở này, sẽ thành lập các vùng bảo tồn hổ ưu tiên. Báo cáo quốc gia cũng đặt ra mục tiêu kiểm soát có hiệu quả việc săn bắn bất hợp pháp, sử dụng hổ và các sản phẩm từ hổ, đồng thời tăng cường nhận thức của xã hội về bảo tồn hổ và ảnh hưởng của việc sử dụng các sản phẩm từ hổ, kêu gọi người dân thay đổi thói quen tiêu dùng, không sử dụng các sản phẩm từ hổ.

Hiện vườn quốc gia ở biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia là hệ cung cấp mồi cho hổ còn tương đối đảm bảo, có lực lượng chuyên trách bảo vệ vườn, thay vì đầu tư bảo tồn hổ dàn trải, chỉ nên tập trung vào việc bảo tồn hổ ở một số ít vùng còn có quần thể hổ tự nhiên có động thái phát triển, việc bảo tồn hổ không thể trông chờ vào các trang trại gây nuôi, chiến lược gây nuôi bảo tồn hổ chỉ thực sự được thực thi tại các cơ sở của Nhà nước hoặc các trung tâm cứu hộ[5].

Nhằm bảo tồn và phát triển quần thể hổ hiện có tại Việt Nam, cần có sự chung tay của Nhà nước, các nhà khoa hoc, các tổ chức phi chính phủ và tất cả mọi người. Trước mắt Nhà nước cần rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới việc quản lý và bảo vệ hổ ở Việt Nam và hoàn thiện văn bản, xử phạt nghiêm minh các đối tượng vi phạm luật có liên quan tới việc bảo vệ và bảo tồn động thực vật hoang dã nói chung và loài hổ nói riêng. Về lâu dài, cần khôi phục sinh cảnh cho hổ tại các khu vực đã được bảo vệ. Ưu tiên cho đầu tư nghiên cứu cơ bản để phát triển, bảo tồn hổ như phối giống sinh sản, tách chiết và lưu trữ DNA cho loài hổ[43].

Cam kết

Là một trong những quốc gia có Hổ phân bố, Việt Nam luôn cam kết xây dựng và thực hiện chương trình phục hồi Hổ quốc gia (NTRP), đồng thời đóng góp tích cực vào Chương trình phục hồi Hổ toàn cầu (GTRP). Điều này đã được khẳng định tại Hội nghị thượng đỉnh về Hổ tổ chức tại Liên bang Nga năm 2010[55] Việt Nam có những phát biểu như là cam kết đối với tiến trình bảo tồn loài hổ trên thế giới cùng với 12 nước khác. Những cam kết đáng chú ý của Việt Nam trong việc bảo tồn loài hổ là Việt Nam sẽ thành lập đề án Chương trình phục hồi loài hổ cho Việt Nam, chương trình của Việt Nam cũng nằm trong khuôn khổ chương trình bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia.

Hổ Đông Dương tại Vườn thú Đại Nam

Việt Nam cam kết thiết lập một vùng bảo tồn khu sinh sống của hổ như các nước đang làm. Việt Nam cam kết tổ chức các đợt vận động về thông tin, truyền thông để công chúng thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm từ hổ hay từ các loài động vật hoang dã khác. Cam kết hợp tác với Campuchia, Lào để bảo tồn khu vực vùng ba biên giới nơi có ba vườn quốc gia của ba nước nằm gần nhau từ đó xây dựng một hành lang sinh sống cho hổ được bảo vệ. Việt Nam cam kết phối hợp với các nước có hổ sinh sống để tiến hành nghiên cứu, thực hiện các chương trình khoa học. Tham gia các tổ chức quốc tế liên quan đến hổ, tổ chức những hội thảo về hổ tại Việt Nam như đã từng làm ở một số nước khác[3].

Việt Nam đã có Luật Đa dạng sinh học, tăng cường việc thi hành luật để chế tài những đối tượng cố tình vi phạm bảo tồn đa dạng sinh học. Đẩy mạnh việc thực thi các luật đã có về bảo tồn các giống loài trong danh mục phải bảo tồn, trong Tổng cục Môi trường, Bộ Tài Nguyên-Môi trường cũng có Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học. Nhiệm vụ của Cục này là bảo tồn các giống loài nói chung, trong đó có loài hổ. Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với Diễn đàn Hổ toàn cầu (GTF), Sáng kiến Hổ toàn cầu (GTI)/Ngân hàng thế giới (WB) tổ chức Hội thảo về xây dựng tiêu chí và chỉ số giám sát Chương trình phục hồi Hổ toàn cầu trong năm 2011. Với 45 đại biểu tham dự Hội thảo là các chuyên gia kỹ thuật đến từ 13 nước có Hổ phân bố và Ban thư ký GTF, GTI, Ngân hàng thế giới và một số tổ chức bảo tồn quốc tế như WCS, WWF, FFI, Traffic.

Các đại biểu đều nhất trí khẳng định nỗ lực thực hiện cam kết bảo tồn loài thú quý hiếm nhất trên hành tinh đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, hầu hết các nước có hổ phân bố ngoài tự nhiên đã hoàn thành Chương trình phục hồi hổ quốc gia (NTRP) và cùng nhau phối hợp xây dựng Chương trình phục hổi hổ toàn cầu (GTRP) với cam kết tăng gấp đôi quần thể hổ ngoài tự nhiên vào năm 2020[55]. Các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức phi chinh phủ cũng có nhiều sáng kiến khác và cùng chung sức xây dựng chiến lược lâu dài bảo tồn hổ của Việt Nam đến năm 2020. Tới đây, cần khôi phục lại sinh cảnh cho hổ tại các khu rừng đã được bảo vệ, ưu tiên cho đầu tư nghiên cứu cơ bản để phát triển bảo tồn hổ bằng phối giống sinh sản, lưu trữ mẫu DNA gốc để phục hồi loài động vật quý hiếm này khi có điều kiện[56].

Để bảo tồn loài hổ khỏi nguy cơ tuyệt chủng, Việt Nam cũng đã có những hành động tích cực như nhân nuôi hổ ở Vườn thú Hà Nội từ năm 1976 là nơi đầu tiên hổ được ghép đôi, sinh sản trong điều kiện nuôi. Đến nay hổ Đông Dương đã sinh sản được 4 lần và tổng số hổ có tại Vườn thú Hà Nội là tám con. Mô hình nuôi hổ sinh sản ở Vườn thú Hà Nội được coi là một hình thức bảo tồn chuyển vị (exitu) hữu hiệu. Với tư cách là nước thành viên chính thức của Công ước về Đa dạng sinh học từ năm 1994, Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể trong các chương trình tuyên truyền về bảo tồn hổ như không buôn bán sử dụng các sản phẩm hổ tại các sân bay, bến bãi; thiết lập đường dây nóng thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước các thông tin về hổ; điều tra, rà soát lại các vùng có hổ[56].

Pháp luật

Với tầm quan trọng của công tác bảo tồn động vật, thực vật hoang dã nói chung, các loài thú lớn (trong đó có hổ) nói riêng, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ chương, chính sách. Từ những năm 1963, Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh về cấm săn bắt chim, thú rừng. Đưa hổ và nhiều loài động vật, thực vật vào danh mục bảo vệ, quy hoạch hệ thống các khu rừng đặc dụng đại diện cho các hệ sinh thái rừng[19] Về lý thuyết, loài hổ đã được Pháp luật Việt Nam bảo vệ. Loài hổ còn được bảo vệ trong nhóm IB của Nghị định 32/2006/NĐ-CP năm 2006 về nghiêm cấm các hành vi săn bắt, sở hữu, buôn bán, quảng cáo hay tiêu thụ hổ và các sản phẩm có nguồn gốc từ hổ, những người tham gia vào các hoạt động trái phép liên quan đến hổ đều bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự và theo Bộ Luật hình sự thì hình phạt có thể lên tới 7 năm tù và mức phạt hành chính lên đến 500 triệu đồng[48].

Dù Việt Nam đã có những quy định chống săn bắn hổ từ năm 1963 (Nghị định 39/CP), đến năm 1992 đã đưa hổ vào nhóm 1B (Nghị định 18/HĐBT)-nhóm các động vật nguy cấp nhưng quần thể hổ vẫn suy giảm là do chưa kiểm soát chặt được nạn săn bắn và nhu cầu tiêu dùng của xã hội không giảm, điều kiện vật chất có hạn việc triển khai các hoạt động bảo tồn còn hạn chế, hiệu quả của công tác bảo tồn chưa đáng kể và đến nay, vẫn chưa xây dựng được một khu bảo tồn riêng dành cho loài hổ[5]. Hiện nay, có 2 hệ thống quy định pháp luật liên quan tới nuôi nhốt các loài động vật hoang dã quý hiếm. Gồm hệ thống văn bản liên quan tới đa dạng sinh học, trong đó, hổ là loài động vật nguy cấp, quý hiếm cần được ưu tiên bảo vệ. Hai là, loài hổ cũng thuộc Phụ lục I, công ước CITES (trước đây là loài thuộc nhóm 1b, Nghị định 32) là loài động vật nguy cấp, quý hiếm, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại[51].

Nhưng tất cả những văn bản trong cả hai hệ thống quy định pháp luật trên và những quy định về điều kiện nuôi nhốt hổ đều khá sơ lược[51]. Pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã chưa thực sự chặt chẽ. Hành vi nuôi nhốt hổ trái phép là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử phạt hành chính, đồng thời, các cá thể hổ sẽ bị tịch thu, nhưng tại một số địa phương khác cũng có xảy ra tình trạng nuôi nhốt hổ như Bình Dương, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An. Nhà nước đã tiến hành cấp phép cho một số cá nhân tại các địa phương này được nuôi nhốt hổ vì mục đích bảo tồn, nghiên cứu khoa học[51]. ENV cho rằng cần phải có những quy định pháp luật rõ ràng, chặt chẽ, cụ thể, không chỉ trong quá trình cấp phép, mà cả quá trình kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm xảy ra tại cơ sở nuôi nhốt[51].

Trước nguy cơ tuyệt chủng của loài hổ tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dự thảo Quyết định phê duyệt chương trình quốc gia về bảo tồn hổ đến năm 2022, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Chương trình đặt mục tiêu bảo vệ và phát triển quần thể hổ hoang dã và con mồi của hổ ở Việt Nam, góp phần đạt được mục tiêu tăng quần thể hổ hoang dã lên gấp đôi trên quy mô toàn cầu vào năm 2022. Các nội dung của dự thảo gồm[47][50]:

  • Xác lập khu vực ưu tiên bảo tồn hổ tự nhiên, đặt mục tiêu bảo vệ và phát triển quần thể hổ hoang dã và con mồi của hổ ở Việt Nam
  • Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các vùng sinh cảnh bảo tồn hổ
  • Quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động gây nuôi bảo tồn hổ nhằm hỗ trợ công tác bảo tồn hổ tự nhiên
  • Bảo đảm công tác phòng ngừa, đấu tranh và xử lý các hành vi vi phạm về bảo tồn hổ và con mồi của hổ đạt hiệu quả

Chương trình dự kiến sẽ xác định khu ưu tiên bảo tồn hổ. Trong đó, xác lập ít nhất 01 khu vực ưu tiên bảo tồn hổ tự nhiên để tiến hành quy hoạch, thiết lập hành lang bảo tồn sinh cảnh sống của hổ trong tự nhiên; hạn chế thực hiện các dự án phát triển tác động tiêu cực đến khu vực sinh cảnh hổ tự nhiên. Gây nuôi và tái thả hổ về vùng phân bố trong tự nhiên. Xây dựng chương trình giám sát quần thể hổ hoang dã, chú trọng việc thiết lập hệ thống đăng ký, quản lý cá thể hổ nuôi nhốt trên toàn quốc. Cũng như, xây dựng và áp dụng chương trình giám sát hổ tại các cơ sở nuôi nhốt hổ, xây dựng chương trình gây nuôi bảo tồn và tái thả hổ về vùng phân bố của chúng trong tự nhiên[47][50].

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 539/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ giai đoạn 2014-2022. Theo đó, đối với bảo tồn nội vi tập trung vào các khu vực có khả năng còn hổ sinh sống, các khu vực có tiềm năng phục hồi hổ ở các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó, tập trung chủ yếu ở các Vườn quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh), Pù Mát (Nghệ An), Yok Đôn (Đắk Lắk), Chư Mom Ray (Kon Tum) và các Khu bảo tồn thiên nhiên Sốp Cộp (Sơn La), Sông Thanh (Quảng Nam). Tăng cường quản lý, giám sát hoạt động gây nuôi bảo tồn hổ.

Tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, điều tra và xử lý các vụ án buôn bán, vận chuyển trái phép hổ xuyên biên giới, xây dựng trung tâm lưu trữ quốc gia cơ sở dữ liệu và các mẫu vật hổ; thực hiện kiểm kê và đánh dấu tất cả các mẫu vật hổ đang được lưu giữ tại các cơ sở của tổ chức, cá nhân, như: Bảo tàng, cơ sở trưng bày, vườn thú và lập hồ sơ quản lý[57]. Đây được coi là một sự tiếp cận tổng thể, một chương trình đồng bộ lâu dài, cần được ưu tiên, tập trung nguồn lực thực hiện các giải pháp: Xây dựng chương trình giám sát quần thể hổ và con mồi của hổ trong tự nhiên và hoạt động gây nuôi hổ; lồng ghép hoạt động quy hoạch các khu vực ưu tiên bảo tồn hổ với quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng.

Thực hiện các nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới về quản lý, bảo vệ và giám sát hổ, con mồi của hổ như công nghệ viễn thám (GIS), công nghệ quét rada trong theo dõi diễn biến tài nguyên rừng về quản lý, bảo tồn, bảo vệ hổ, con mồi của hổ, chú trọng đầu tư cho hoạt động bảo tồn hổ ngoài tự nhiên, áp dụng các cơ chế tài chính để đầu tư, hỗ trợ cho quản lý, bảo tồn hổ và con mồi của hổ như cơ chế đồng quản lý rừng, cơ chế chi trả dịch vụ môi trường, Tăng cường hợp tác với các nước, đặc biệt với các nước có chung đường biên giới để nâng cao hiệu quả kiểm soát hoạt động buôn lậu hổ xuyên biên giới và đánh giá tính khả thi thiết lập khu bảo tồn hổ liên biên giới[19].

ENV

Tổ chức ENV (Education for Nature Vietnam) là tổ chức phi chính phủ hoạt động với mục đích bảo vệ sự đa dạng sinh học, bảo vệ các động vật hoang dã, các nỗ lực bảo tồn hổ của Trung tâm luôn tích cực và chủ động thực hiện các hoạt động mang tính chiến lược để bảo vệ loài hổ, các hoạt động của Trung tâm như phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện điều tra về hổ, điều tra các trang trại gây nuôi hổ và nạn buôn bán hổ nhằm xác định các đối tượng chủ chốt và mạng lưới tội phạm đứng sau các vụ buôn bán hổ, tìm hiểu sâu hơn về tình trạng nuôi nhốt hổ tại các cơ sở tư nhân ở Việt Nam.

Tổ chức Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV), hàng năm đều có chương trình ghi nhận số liệu, chụp ảnh tư liệu về các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được nuôi trong các trang trại động vật hoang dã và các khu du lịch sinh thái trên cả nước. Tổ chức ENV nắm thông tin khá kỹ về trang trại nuôi hổ, ENV vẫn duy trì đường dây nóng miễn phí. Qua đường dây này, tiếp nhận thông tin từ bất kỳ ai khi họ cảm thấy nghi ngờ về hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới động vật hoang dã[51].

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cũng thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ quan thi hành luật, các cơ quan chức năng tích cực điều tra, tiến tới xóa bỏ nạn buôn bán hổ trái phép. Nâng cao nhận thức cộng đồng và tổ chức các hoạt động cộng đồng nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ các sản phẩm từ hổ, ENV thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng qua các chương trình phát trên đài và các hoạt động cộng đồng nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ các sản phẩm từ hổ cũng như khuyến khích cộng đồng cùng tham gia hành động bảo vệ loài hổ[48].

Từ năm 2006, Chương trình bảo vệ động vật hoang dã của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên đã thu thập và lưu trữ 117 vụ vi phạm về hổ. Trong 17 vụ tịch thu tang vật về hổ bao gồm hổ đông lạnh, các bộ phận cơ thể hổ hoặc xương hổ, các cơ quan chức năng đã thu giữ được 38 con hổ hoàn chỉnh và các bộ phận cơ thể con hổ, không bao gồm các tiêu bản để trang trí và da từ các vụ buôn bán, vận chuyển trái phép. Ngoài các vụ vi phạm liên quan đến hổ sống tại các trang trại, chỉ có một vụ vận chuyển hổ sống[48]. Trung tâm ENV cũng đã ghi nhận 16 vụ tịch thu hổ với 29 cá thể kể từ năm 2005.

Kết quả điều tra của ENV cho thấy, hầu hết các vụ tịch thu hổ ở Việt Nam thời gian qua đều là hổ đông lạnh, được gây nuôi ở các trang trại và có nguồn gốc từ nước ngoài. Không có con hổ nào xác nhận có nguồn gốc hoang dã ở Việt Nam. Điều này phản ánh mức độ suy giảm nghiêm trọng quẩn thể hổ trong tự nhiên của Việt Nam hiện nay. Trên thị trường giá của cao hổ pha với xương của những loài động vật hoang dã khác dao động từ 7-17 triệu đồng/lạng, kết quả điều tra của ENV cho thấy, hoạt động buôn bán hổ ở Việt Nam chủ yếu tập trung cung cấp cho nhu cầu làm cao hổ và hầu hết, lượng cao hổ này được bán trong nước, không xuất khẩu ra nước ngoài[5].

Năm 2007, ENV được thông tin một đối tượng đang nuôi nhốt hổ tại gia đình ở Thanh Hóa, việc nuôi nhốt hổ tại gia đình này là bất hợp pháp. Sau khi bị phát hiện, chủ đã bị xử phạt hành chính. Năm 2008, tỉnh Thanh Hóa đã cấp phép, giao nuôi thí điểm với mục đích nghiên cứu bảo tồn 12 cá thể hổ trước đó bị phát hiện nuôi nhốt bất hợp pháp. Tới năm 2012, có 1 trong số 12 cá thể hổ bị chết, số lượng hổ còn lại tại cơ sở là 11 cá thể, từ thời điểm đó, dù các cá thể hổ tại trang trại luôn được ghép đôi với nhau nhưng số lượng cá thể hổ vẫn không hề thay đổi trên giấy tờ (chỉ là 11 cá thể). Qua chương trình kết hợp với kinh nghiệm nhận dạng động vật qua hình thái, ENV nhận thấy sự khác biệt của một số cá thể hổ qua các năm tại trang trại ở Thanh Hóa[51].

Ngoài 1 cá thể hổ chết được ghi nhận vào tháng 12 năm 2008, số lượng hổ tại cơ sở này trong những năm qua không hề biến động (không có hổ con sinh mới hoặc chết đi). Trong quá trình liên tục theo dõi và cập nhật biến động tại cơ sở nuôi nhốt hổ của đối tượng, ENV cũng đã thu thập được nhiều bằng chứng hình ảnh cho thấy các đặc điểm định dạng của các cá thể hổ được nuôi nhốt đã có nhiều thay đổi. Số lượng tổng đàn thì không thay đổi, nhưng có sự thay đổi về những cá thể hổ riêng lẻ tại cơ sở nuôi nhốt này. Qua các năm, số cá thể hổ không đổi dù được ghép đôi, số lượng hổ tại cơ sở này trong những năm qua không hề biến động (không có hổ con sinh mới hoặc chết đi).

Có nhiều bằng chứng hình ảnh cho thấy, các đặc điểm định dạng của các cá thể hổ được nuôi nhốt tại trại này lại có nhiều thay đổi vì các cá thể hổ có thể được phân biệt bằng nhiều cách khác nhau[52]. Qua những dấu hiệu trên, ENV đặt ra nghi vấn cơ sở nuôi nhốt hổ được sử dụng như một vỏ bọc để hợp thức hóa những cá thể hổ bất hợp pháp mà ông chủ mua bán, săn bắt trái phép trong tự nhiên vì các cá thể hổ của cơ sở dù được ghép đôi nhưng số lượng vẫn không đổi trong 5 năm qua[51]. Sau đó, đã bắt một số đối tượng với tang vật gồm 36 kg sừng tê giác, 2 cá thể hổ đông lạnh, 3 bộ da sư tử, khai nhận 2 cá thể hổ đông lạnh bị tịch thu có nguồn gốc từ cơ sở nuôi nhốt hổ.

ENV phối hợp khá chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong vụ việc này nên họ đã cung cấp thông tin là lời khai nhận của đối tượng về 2 cá thể hổ đông lạnh bị tịch thu có nguồn gốc từ cơ sở nuôi nhốt hổ. Từ vụ việc này, có 3 đối tượng đã bị bắt giam. ENV đã đề nghị tỉnh Thanh Hóa tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở nuôi nhốt hổ, làm rõ những hoạt động bất hợp pháp đã và đang diễn ra ở đây, không tiếp tục gia hạn hoặc cấp mới giấy chứng nhận nuôi nhốt hổ cho cơ sở này[51]. Khi ENV kiến nghị với các nội dung, một số cơ quan kiểm tra cơ sở nuôi nhốt hổ theo đề xuất của ENV[51]. Sau hàng loạt những điểm bất thường trên thì dư luận đặt ra nghi vấn về việc cơ sở nuôi nhốt hổ thực chất chỉ đóng vai trò vỏ bọc cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép hổ và các loài động vật hoang dã khác mà không hề phục vụ mục đích nuôi thí điểm, bảo tồn hổ như gia đình đã đặt ra trước đó[52].

Dấu vết

Công tác bảo tồn tại Việt Nam cũng ghi nhận một số kết quả khi có những bằng chứng cho thấy giai đoạn gần đây, loài hổ đã xuất hiện trở lại. Từng có sự kiện một chiếc bẫy ảnh đã chụp được bóng dáng một con cọp ở Mường Lát, Thanh Hóa, trong một khu bảo tồn chấn động Việt Nam, các nhà khoa học quốc tế cũng đến Việt Nam để tận mắt bức ảnh, rồi luồn rừng tìm xem có thấy dấu chân hổ[45]. Những phát hiện khác là ở thung lũng Nghiều Lài, cách bản Nà Tông của xã Thượng Lâm, Lâm Bình, Tuyên Quang, ngay lối đi, nơi phát hiện những dấu chân hổ, còn có vết móng hổ cào vào đá[58].

Trong đại ngàn nghiến trên dãy đá vôi thuộc xã Thượng Lâm và Khuôn Hà vẫn còn một đàn hổ, ít nhất phải 4-5 con. Hổ hoang dã là loài vô cùng quý hiếm, gần như tuyệt chủng ở Việt Nam, nhìn dấu chân, dấu vết cắn, cào trên con mồi, đã biết là hổ. Đàn hổ này giáp mặt nhiều lần với nhân chứng, cả tận mắt, lẫn thấy dấu chân, thấy con mồi ăn dở[46]. Những đồn đoán cho biết có đàn hổ trú ngụ trong rừng nghiến, đi qua những vách đá, men theo thung lũng Nghiều Lài, về phía thung lũng Hoong Khạo thuộc xã Khuôn Hà, nơi có những núi đá, rừng nghiến hoang vu, không có bóng người qua lại, có thể bầy hổ đang trú ngụ ở những khe núi giáp ranh hai xã Thượng Lâm và Khuôn Hà vì khu vực này rừng rú âm u, hoang rậm, ít ai dám vào[58].

Có nhân chứng ở vùng Thượng Lâm của Tuyên Quang gặp hổ trước mặt cách khoảng 50m, thấy con hổ vằn to bằng con bê, đang đứng bên suối, nhẩn nha uống nước, rồi nhảy phóc vào rừng, những đám cây rung nhẹ và bóng dáng con hổ cũng mất hút, bên bờ con suối nhỏ, hiện trường chỉ có những dấu chân to bằng miệng bát tô loại nhỏ, dấu chân vẫn còn rất rõ, là vết nó nhảy từ bên này suối sang bên kia, in sâu vào lòng đất[58], nhân chứng khác ở xã Khuôn Hà cho biết gặp hổ cách chừng 20m, là con hổ vằn, to như con bê, đứng bên tảng đá mép hồ, đầu chúi xuống, nhìn gườm gườm, nó tiếp tục uống nước, rồi đi một vòng quanh túp lều, đạp đổ cả lọ nhớt, dẫm lên nhớt rồi lững thững đi vào rừng sâu. Sau đó, chỉ có ban ngày người dân mới dám sang xã này để kiểm đếm dê, bò, đêm thì về Thượng Lâm ngủ, không dám ở túp lều bên kia hồ dù con hổ này chưa bắt dê, bò nhà lần nào[59].

Tại đỉnh Giang Chí cao hơn 2.000m là nóc nhà của tỉnh Tuyên Quang hiểm trở, một số người đi rừng kể rằng, hổ từng tìm lên tận nơi đó, nhiều vết cào vào đất, đá xuất hiện, nhưng lại có người khẳng định đó là vết cào của loài báo vì loài báo còn khá nhiều ở đại ngàn Lâm Bình[58]. Có nhân chứng tại đây cho biết rằng trong rừng còn hổ, nhưng thi thoảng chúng mới xuất hiện qua tiếng gầm, hoặc những dấu vết đi lại trong rừng. Lần hổ xuất hiện gần nhất là ở ngay mảnh đất trước nhà khi nghe tiếng cây rừng xao động, tiếng lợn rừng kêu, con lợn rừng chạy từ rừng vào mảnh nương nhà với bộ dạng hốt hoảng, mình đầy thương tích thì bị một con hổ to xông đến, quắp con lợn rừng tha đi. Mấy ngày sau, thấy đại ngàn yên ả, người dân mới dám ra khỏi nhà, lần vào bìa rừng, thấy bãi phân hổ, lẫn với những đoạn xương cứng vì loài hổ háu ăn, nuốt cả xương, nhưng không tiêu hóa được, nên lại đại tiện thải xương ra ngoài[58].

Những vách núi phía trong thung lũng Nghiều Lài của Tuyên Quang chính là hang ổ của bầy cọp. Loài cọp thường sống một mình, hoặc cặp đôi, mỗi con có một lãnh địa riêng, rộng chừng vài km vuông. Tại một địa điểm phía ven suối, chỉ vào những dấu chân, rất nhiều dấu chân lợn rừng, dấu chân nai, hoẵng. Tuy nhiên, dấu vết của loài don thì bặt tăm, tìm cả ngày không thấy. Loài hổ đặc biệt thích ăn thịt don, nên hễ ở đâu có nhiều don, thì loài hổ mò đến và hễ ở đâu bỗng dưng hết don, nếu không có thợ săn thì thường sẽ có hổ. Dẫn chứng đáng tin cậy nhất về sự xuất hiện của hổ tại thung lũng Nghiều Lài, vào năm 2010, người bản Nà Tông, đã bắn con hổ rất lớn ở đúng thung lũng này[60].

Có câu chuyện về một thợ săn bắn rơi con voọc, thì con hổ to tướng xông đến quắp xác con voọc tha đi mất, hai người vào Lũng Chuột ở Tuyên Quang, phục kích dưới chân núi để bắn voọc lấy thịt nấu giả cầy và dùng xương nấu cao vì chiều nào đàn voọc cũng về hang trú ngụ, nên từ trưa, trèo lên vách đá, khoảng 5 giờ chiều thì đàn voọc ríu rít kéo nhau về. Chúng chuyền cành trên vách đá làm náo động cả khu rừng, khi một con voọc trúng đạn rơi xuống sườn núi thì từ phía con voọc rơi xuống, cây cối xao động, nhân chứng rùng mình khi thấy cọp xám to như bò, cắn con voọc trên miệng, phốc một cái, con cọp biến mất trong cánh rừng rậm rạp, nhân chứng chờn chợn, không dám đuổi theo con hổ. Hôm sau, mò vào rừng lần theo dấu chân hổ thì thấy trong khe núi cách Lũng Chuột độ 500m, dấu tích máu me, lông lá và vài mẩu xương voọc vẫn còn đó. Con cọp đã tha xác con voọc đến địa điểm đó và ăn sạch, con voọc nặng độ 10 kg, nên chỉ đủ một bữa cho hổ xám[61].

Đã có nhiều người báo cáo với kiểm lâm rằng đã tận mắt nhìn thấy hổ về các bản quanh rừng Huổi Luông, họ cho biết năm nào hổ cũng về bản Púm bắt trâu bò, bản Púm, xã Pha Khinh (Quỳnh Nhai, Sơn La), đất Sơn La không còn hổ, nhưng, chuyện người dân ở đất Quỳnh Nhai khắp nơi đều kể về hổ Có vị Trưởng bản không tìm thấy con trâu mộng và tìm xung quanh mà vẫn không thấy. Khi thấy dấu chân lằn sâu xuống lớp mùn to bằng miệng cái bát ăn cơm lẫn với vết kéo con trâu tướp cỏ, ai cũng sợ hãi vì biết rằng chúa sơn lâm đã về bắt trâu. Họ còn phát hiện ra một loạt dấu chân nhỏ hơn cũng hướng về phía rừng sâu, như vậy đã có hai con hổ tha con trâu của vào rừng.

Mọi năm chỉ mất nghé, năm nay mất con trâu mộng vì hai con hổ, trung bình mỗi năm bản Púm mất 20 con trâu, bò, nghé vì chó sói và hổ. Tuy nhiên, hai “ông hổ” này hiền lắm, chưa tấn công người bao giờ. Mỗi năm, hai “ông hổ” thường về bản 1-2 lần, vào tháng 7 hoặc tháng 8 và chỉ bắt trâu bò vào những đêm trăng xế, sau 12 giờ đêm. Hai con hổ này thường đi cùng nhau và chúng cứ lang thang hết vùng rừng này đến vùng rừng khác. Thi thoảng, dân bản ở Pha Khinh, Cà Nàng, Mường Giôn, Chiềng Khay, Mường Chiên những xã ven rừng Huổi Luông mênh mông lại gặp những dấu chân hổ về nương rẫy. Nếu trâu bò đột nhiên mất tích, lại phát hiện thấy vết chân hổ thì chỉ than thở[62].

Người dân bản Púm, xã Pha Khinh vẫn nhắc đến đêm hổ về bản cách đây 15 năm, một đám thợ săn người Mông ở Mường Giôn đi săn tê tê trong rừng Huổi Luông, chỗ giáp với bản Púm đã phát hiện ra hang ổ của chúa sơn lâm, chỗ từng có dấu chân hổ. Trong ổ có hai chú hổ con mới sinh. Hổ mẹ và hổ bố đi kiếm mồi chưa về. Đám người Mông này đã bắt hai chú hổ con rồi cắt ngang núi Pú Cô, vòng qua bản Púm xuôi về đường Thuận Châu. Đêm đó, trăng lên, hổ bố và hổ mẹ quần thảo dưới chân núi Pú Cô, gầm thét điên cuồng. Chúng lao cả vào gầm nhà sàn của một số hộ nằm ngay chân núi để phá phách, tấn công trâu bò. Nhà nào cũng cửa kín then cài, nín thở lo lắng. Đến gần sáng chúng mới bỏ đi, tiếng gầm gừ cũng nhỏ dần, ai oán. Sau lần ấy, người dân Pha Khinh gọi hổ bằng “ông hổ” [62].

Chuyện hổ xuất hiện ở rừng Huổi Luông (Quỳnh Nhai, Sơn La) rất lạ, khó có thể tin rừng Việt Nam vẫn còn hổ hoang dã. Tuy nhiên, việc hổ ăn thịt trâu, bò nhiều người chứng kiến và được nghe nhiều chuyện về hổ. Nhiều người cho rằng, cùng là đàn hổ, nhưng chúng di cư đến những địa bàn trên, từng có nhóm người Mông ở Mù Cang Chải bắt được hổ con nặng 10 kg. Sự việc xôn xao, dân buôn và sưu tầm thú quý hiếm khắp vùng đổ về, đang thỏa thuận mua bán thì kiểm lâm ập đến, cả đám người Mông vác hổ con bỏ chạy[63] Hiện ở Quỳnh Nhai có phỏng đoán còn ít nhất hai con hổ, một con rất lớn và một con nhỏ hơn.

Đã có nhiều người báo cáo với kiểm lâm rằng đã tận mắt nhìn thấy hổ về các bản quanh rừng Huổi Luông. Người dân quanh rừng Huổi Luông rào gậm nhà sàn rất kín để nhốt thú nuôi vì sợ hổ, chó sói bắt trộm. Rừng ở Quỳnh Nhai nổi tiếng vì còn rất nhiều tê tê, gấu, rắn chúa, chó sói, lợn rừng tuy nhiên, hổ thì không còn nhiều, mặc dù cách đây 20 năm, hổ là loài khá phổ biến ở đây. Đồng bào ở Quỳnh Nhai từ xưa đến nay vẫn rất bức xúc vì nạn chó sói và hổ về bắt trâu bò. Mỗi năm đồng bào ở Quỳnh Nhai mất trung bình 50 con trâu bò vì chó sói và hổ. Mấy năm gần đây không thấy hổ về bản tấn công trâu bò, mà chủ yếu nó ăn lại con mồi đã chết do chó sói tấn công[62].

Hiện nay ở đại ngàn Sơn La hàng chục năm nay ít nghe đến chuyện hổ, chẳng mấy ai thấy dấu hiệu của loài chúa sơn lâm, nhưng người Mông ở bản Tốc Tát Trên lại thường được nghe tiếng hổ gầm, nên tiếng hổ gầm thế nào, dấu chân hổ ra sao nhiều người có kinh nghiệm đều biết[64]. Có thời điểm, hổ khổng lồ xuất hiện ở Lục Yên, có lúc ở rừng Văn Chấn, Trạm Tấu, có lúc ở Mù Cang Chải. Những huyện này đều nằm ở phần đuôi của dãy Hoàng Liên Sơn, rừng rậm hoang vu, mà hổ là loài di chuyển liên tục, nên có thể bắt gặp ở nhiều nơi. Dấu hiệu để nhận biết là những tiếng gầm, dấu chân, và đặc biệt là hiện tượng mất thú nuôi, thời gian gần đây, hổ xuất hiện ở khu rừng thuộc huyện Mường La, giáp với Quỳnh Nhai của Sơn La và Mù Cang Chải của Yên Bái ở bản Tốc Tát Trên, thuộc xã Chiềng Công (Mường La)[63].

Vào năm 2009, ghi nhận về việc hổ xuất hiện tại Lâm Đồng. Có hai con cọp, một lớn một nhỏ, khoảng một tuần nay thường xuất hiện gần khu dân cư thôn 3, xã Tư Nghĩa, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, vồ gia súc nuôi thả rông ăn thịt, người dân bị mất dê, bò, lợn thả rông, đi tìm thì phát hiện những phần thịt rải rác các nơi và có nhiều dấu chân giống như chân cọp, căn cứ vào dấu chân để lại, xác định có hai con, một lớn một nhỏ. Trong khu rừng rộng 72.000 ha Vườn quốc gia Cát Tiên vẫn còn cọp sinh sống, chưa có nghiên cứu hay thống kê về số lượng, sinh sản cũng như chưa ghi nhận trường hợp tấn công người hay gia súc[65].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bảo tồn loài hổ http://m.baonga.com/xa-hoi-nga.nd129/lap-khu-bao-t... http://www.bbc.com/vietnamese/world-38037195 http://www.bbc.com/vietnamese/world-40172102 http://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/Scienc... http://www.vast.ac.vn/tin-tuc-su-kien/tin-khoa-hoc... http://m.anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/loai-ho-o... http://antt.vn/vu-chau-be-bi-ho-vo-nghi-van-nup-bo... http://baodatviet.vn/khoa-hoc/su-kien/vo-doi-tuong... http://baophapluat.vn/du-lich/vi-bao-ve-ho-hang-tr... http://m.baophapluat.vn/quoc-te/mang-luoi-buon-ho-...